Hội thảo khoa học: Báo cáo ca lâm sàng: “Thai ngoài tử cung” tại khoa Phụ - Sản, Bệnh viện Lê Văn Việt
Vừa qua tại Bệnh viện Lê Văn Việt đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật với chủ đề “Thai ngoài tử cung: Chẩn đoán - Thái độ điều trị” do Khoa Phụ - Sản chủ trì. Buổi thảo luận cập nhật kiến thức mới nhất về chẩn đoán và điều trị thai ngoài tử cung, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Toàn cảnhbuổi sinh hoạt KHKT với chủ đề “Thai ngoài tử cung: Chẩn đoán và thái độ điều trị” tại Bệnh viện Lê Văn Việt.
Trong buổi thảo luận, các chuyên gia đã trình bày và phân tích một số ca lâm sàng điển hình về thai ngoài tử cung, một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của thai phụ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bác sĩ đã chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp chẩn đoán, điều trị hiệu quả, cũng như những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực này.
BS.CK2 Lê Đăng Đại, phó trưởng khoa Phụ - Sản Bệnh viện Lê Văn Việt trình bày nội dung “ ca lâm sàng Thai ngoài tử cung”.
Theo Bác sĩ Lê Đăng Đại, Phó trưởng khoa Phụ - Sản Bệnh viện Lê Văn Việt cho biết: "Các yếu tố nguy cơ thai ngoài tử cung ( TNTC) bao gồm: Tiền căn TNTC, tiền căn phẫu thuật trên vòi trứng trước đó, viêm nhiễm vùng chậu, hút thuốc, tuổi trên 35, lạc nội mạc tử cung, hỗ trợ sinh sản (IVF, IUI, clomiphene,..)"
Hình ảnh thai trong kết hợp thai ngoài trên siêu âm.
Hiện tại, có nhiều phương pháp chẩn đoán phổ biến như: Khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi ổ bụng…Những phương pháp này giúp bác sĩ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho người mẹ.
Cũng theo Bác sĩ Lê Đăng Đại, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị. Điển hình như phương pháp nội khoa: Metrotrexate – MTX một chất đối kháng folate, ức chế sự phân chia tế bào; hoặc điều trị ngoại khoa, bảo tồn mở ống dẫn trứng lấy thai, cắt ống dẫn trứng….
Nhân viên BV tham gia cùng khoa Phụ - Sản sôi nổi thảo luận.
Thai ngoài tử cung là một tình trạng sản khoa rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của thai phụ. Do đó theo các bác sĩ để phòng tránh mang thai ngoài tử cung phụ nữ có thể áp dụng 1 số biện pháp như: Quan hệ tình dục an toàn, không hút thuốc lá, không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp; Đặc biệt khám phụ khoa định kỳ, tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên; Việc phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường hoặc các bệnh lý phụ khoa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Mang thai ngoài tử cung là điều mà không ai mong muốn xảy ra. Vì vậy, nếu không may gặp phải trường hợp này, chị em phụ nữ nên tuân thủ lời khuyên từ bác sĩ, tập trung chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để cơ thể sớm hồi phục và chuẩn bị tốt cho việc mang thai lần tiếp theo.